Lượt xem: 117
Tình hình dịch hại trên lúa tỉnh Sóc Trăng (Từ ngày 27/03/2025 đến 02/04/2025) và dự báo dịch hại tuần tới
1. Tình hình sản xuất
    - Vụ Đông Xuân 2024 – 2025: xuống giống 181.719 ha, đạt 107,5% kế hoạch, đã thu hoạch 135.510 ha, năng suất ước đạt 68,78 tạ/ha, sản lượng 932.038 tấn. Diện tích xuống giống Đông Xuân muộn 38.893,6 ha, thấp hơn 7% so với CKNT (bằng 2.531 ha), đã thu hoạch 4.609 ha, trà lúa còn lại đang giai đoạn đòng đến trổ chín. 
    - Vụ Hè Thu 2025: đã xuống giống 5.759 ha (tăng 4.391 ha so với tuần trước), thấp hơn 4.300 ha so với CKNT, trà lúa đang giai đoạn mạ đến đẻ nhánh tại thị xã Ngã Năm (5.185 ha), huyện Mỹ Tú (550 ha), huyện Châu Thành (24 ha).
2. Tình hình dịch hại trong tuần
    Trên trà lúa Đông Xuân đang tập trung giai đoạn trổ chín đến thu hoạch, một số ít giai đoạn đòng ở trà lúa Đông Xuân muộn nên diện tích nhiễm dịch hại giảm. Tổng diện tích nhiễm trong tuần là 2.545 ha (giảm 598 ha), trong đó bệnh lem lép hạt nhiễm nặng 9 ha tập trung tại huyện Long Phú. Riêng rầy nâu nhiễm 93 ha (tăng 68 ha), mật số nhiễm 1.000 – 2.000 con/m2 tại huyện Thạnh Trị và huyện Châu Thành, xuất hiện trên trà lúa giai đoạn trổ chín.
    Đối với trà lúa Hè Thu 2025 dịch hại xuất hiện chủ yếu bù lạch, ốc bươu vàng, chuột, bệnh đạo ôn lá ở mức độ nhiễm nhẹ tập trung tại thị xã Ngã Năm.
3. Dự báo dịch hại trong tuần tới
    Hiện nay, ngoài đồng rầy nâu xuất hiện với mật số nhiễm nhẹ, phổ biến tuổi 3-4, gối lứa trên trà lúa trổ chín. Khuyến cáo nông dân cần chủ động thăm đồng, theo dõi diễn biến, mật số rầy nâu ngoài đồng để có biện pháp phòng trừ hiệu quả, lưu ý trên các trà lúa giai đoạn trổ chín nếu không phát hiện kịp thời có khả năng gây cháy rầy cục bộ do rầy nâu tích lũy mật số. Tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học (nấm xanh, nấm trắng, ...), chỉ sử dụng các loại thuốc đặc trị để phun trừ khi rầy tuổi 2-3, mật số >3 con/tép. Ở các khu vực đang chuẩn bị xuống giống Hè Thu 2025, đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình rầy nâu di trú để xây dựng lịch xuống giống đảm bảo tập trung, né rầy, nhằm hạn chế rầy nâu truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cho các trà lúa mới gieo sạ.
    Ngoài ra, trên lúa Đông Xuân chú ý bệnh đạo ôn cổ bông, cháy bìa lá, lem lép hạt. Khi phát hiện vết bệnh, cần sử dụng thuốc đặc trị để phun trừ, tạm ngưng bón phân đạm, không pha trộn phân bón lá và thuốc trừ bệnh để phun trừ, cần tăng cường bổ sung phân kali đối với cử bón phân đón đòng. Bệnh đạo ôn cổ bông cần phun ngừa vào 2 thời điểm khi lúa trổ lẹt xẹt và lúa trổ đều.
4. Công tác quản lý, chỉ đạo trong thời gian tới
    - Thực hiện tăng cường công tác giám sát đồng ruộng, theo dõi tình hình sản xuất, dịch hại trên một số loại cây trồng chủ lực của tỉnh. Phân công cán bộ tăng cường thăm đồng điều tra bổ sung trên địa bàn phụ trách. 
    - Thường xuyên kiểm tra, nắm chắc diễn biến ngoài đồng về hạn mặn, dịch hại trên cây trồng, diễn biến nguồn nước để thông tin kịp thời đến nông dân có chủ động phòng trừ.
    - Báo cáo hàng ngày số liệu rầy nâu vào bẫy đèn để phục vụ tốt công tác dự tính dự báo tình hình rầy nâu di trú.
Ngô Vương Ngọc Bảo Trân - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1748371